Truyện Trọng Sinh là thể truyện có nhân vật chính vì một lý do nào đó mà được sống lại sau khi chết đi, thể loại này thường kết hợp với thể loại xuyên không.
Đây là thể truyện có nhân vật chính vì một lý do nào đó mà được sống lại sau khi chết đi, thể loại này thường kết hợp với thể loại xuyên không.
Nếu bạn là một người yêu thích ngôn tình Trung Quốc, đặc biệt là ngôn tình mạng thì việc thuộc lòng các thể loại truyện đối với bạn mà nói dễ như trở lòng bàn tay. Vậy bạn có thể kể bao nhiêu thể loại ngôn tình mà bạn biết? Mình sẽ đếm đến mười và bạn bắt đầu liệt kê thử xem.. Một.. hai.. ba.. Chưa đến con số bốn thì bạn đã có thể xòe đầy mười ngón tay mà mỗi ngón thì đại diện cho một thể loại rồi.
Như vậy có thể nói, thể loại ngôn tình rất đa dạng, mà mỗi độc giả thì lại yêu thích một thể loại khác nhau. Lần này, mình xin được đề cập đến một thể loại khác của ngôn tình, thể loại này cũng rất được yêu thích, đấy chính là trọng sinh. Vậy truyện Trọng Sinh là gì?
Trọng sinh là một thuật ngữ Hán Việt dùng để chỉ một thể loại truyện mà nhân vật chính vì một lý do nào đó chết đi rồi đầu thai vào kiếp khác nhưng vẫn giữ lại được kí ức của mình ở kiếp trước.
Truyện Trọng Sinh có nội dung là nhân vật chính được chết đi sống lại, chủ yếu là thân thể chết mà vẫn giữ lại được linh hồn, bắt đầu cuộc sống mới với cơ thể mới. Có thể là sống lại trong chính quá khứ của mình, chẳng hạn như đang ở năm 2020 mà trở về năm 1990, hoặc cũng có thể sống lại trong cơ thể của người khác sau đó nhân vật chính làm lại cuộc đời của chính mình. Đa phần các truyện trọng sinh đều rất YY, nhân vật chính vì có được trí nhớ trước khi chết, nên biết trước tương lai, sau đó làm giàu cho gia đình, trở thành “thiên tài”, “thần đồng” trong mắt mọi người.
Tuy nhiên Trọng sinh này khá nhiều lại là mở đầu cho huyền huyễn, tu chân, lịch sử ….. nói chung là trọng sinh thường chỉ là một chi tiết trong truyện, lý giải xuất thân, kiến thức của nhân vật, thường không phải là ý tưởng chính của truyện.
Nhân vật sau khi trọng sinh có thể là trọng sinh thành một em bé mới ra đời, trọng sinh vào thân xác của một người vừa mới chết. Thân phận nhân vật sau trọng sinh thường là nhân vật cành vàng lá ngọc như tiểu thư, công chúa..
Các thể loại ngôn tình trọng sinh thường được xây dựng trên mô tuýp: Nhân vật chính có một cuộc sống không mỹ mãn, bị tổn thương, bị hãm hại, uất ức và chịu nhiều đau khổ. Đa số trong trường hợp này thì các nhân vật chính thường là nữ (cũng đúng thôi thì ngôn tình được tạo ra để phục vụ cho phần đông phái đẹp mà) bị người mình yêu, người chồng trực tiếp hoặc gián tiếp hãm hại (ví dụ: “Thứ nữ hữu độc” của Tần Giản, “Bình An trọng sinh” của Dư Phương), cũng có khi là do bản thân nhân vật chính có những hành vi sai lầm mà dẫn đến những bi kịch cho chính mình và cho những người yêu thương họ (VD: “Cảm ơn em đã quay lại nhìn anh” của Nhược Minh Dực, “Song quy nhạn” của Minh Nguyệt Đang, “Sự diệu dàng của định mệnh” của Lệ Ưu Đàm). Sau đấy, khi nhân vật chính đã chịu hết mọi đau khổ, thì vì một lý do gì đó mà họ lại quay trở về quá khứ, và bản thân họ tìm cách để sửa đổi tương lai.
Tất nhiên, trong thực tế sẽ không có chuyện như thế này xảy ra, nhưng đã là tiểu thuyết thì tất sẽ có yếu tố hoang đường, và yếu tố hoang đường ấy lại được xây dựng trên chính ước mơ của con người. Bạn nhận thấy được gì khi đọc thể loại trọng sinh này? Riêng đối với mình, mình đã nhìn thấy được khát vọng hối cải của con người.
Trong cuộc sống, khi phạm phải một sai lầm vào đấy, việc đầu tiên chúng ta thường làm là hối hận. Đúng vậy! Chính là hối hận chứ không phải là nghĩ đến việc xin lỗi hay tìm cách giải quyết, lúc ấy trong đầu chúng ta sẽ xuất hiện câu “Giá như mà..”. Cái suy nghĩ “Giá như mà..” ấy đã thể hiện sự hối hận của bạn, sau khi bản thân chúng ta hối hận đủ rồi thì chúng ta mới tìm cách giải quyết vấn đề phát sinh từ cái sai lầm ấy. Nếu bạn biết bạn làm sai thì bạn có tiếp tục làm không? Không! Bởi vì việc gì cũng có kết quả của nó, và sai lầm thì thường đem đến hậu quả xấu.
Quay trở lại với thể loại trọng sinh, các tác giả thay vì cho nhân vật chính của mình nghĩ ra cách giải quyết hậu quả ở hiện tại thì lại cho nhân vật chính quay về quá khứ. Vì sao lại như thế? Bạn thử nghĩ xem, bạn làm sai và tìm cách giải quyết thì vẫn không thay đổi được sự thật là bạn đã từng sai trái, giống như bạn dùng bút chì vẽ loạn lên tờ giấy trắng, dù bạn có bôi đến cỡ nào thì cũng sẽ để lại dấu vết của những đường chì loạn kia.
Chính vì thế, thay vì để cho sự sai lầm được xuất hiện thì các tác giả sẽ giết nó từ trong trứng nước, cho các nhân vật chính trở về quá khứ, thay đổi bản thân, trở thành một người mạnh mẽ và thay đổi tương lai u ám của họ. trọng sinh làm cho các nhân vật chính được thay da đổi thịt, họ tìm được tình yêu đích thực, trân trọng người trước mặt và cố gắng sống tốt hơn, một số ít khác lại có đủ năng lực để báo thù những kẻ đã khiến họ sống không bằng chết.
Có người từng nói rằng: “Bạn không thể biết trước tương lai của bạn, nhưng nếu vô tình bạn biết được rồi, bạn sẽ có hai cách hành động.
Thứ nhất, nếu tương lai của bạn rất tốt đẹp, bạn sẽ cố gắng để nó càng tốt đẹp hơn, bạn sẽ luôn trông chờ vào tương lai ấy, mong nó đến nhanh lên.
Thứ hai, nếu tương lai của bạn rất tồi tệ, bạn sẽ tìm cách thay đổi nó, biến nó trở thành tốt đẹp, nhưng mà khi bạn càng cố gắng thì tương lai tồi tệ vẫn không thay đổi. Bởi vì, mọi việc đều đã được định mệnh an bài sẵn”.
Mình đã đọc nhiều câu chuyện lịch sử và điều này đã được chứng minh, khi chúng ta càng cố gắng sửa đối tương lai kinh khủng phía trước thì bánh răng định mệnh vẫn sẽ quay theo đúng chiều mà nó đã được lên cót sẵn, những việc chúng ta làm chỉ gia tăng tốc độ đối mặt với hiện thực tàn khốc mà thôi.
Thế nhưng, khi đọc ngôn tình trọng sinh, mình lại rằng, định mệnh không phải là tất cả, con người bằng chính nỗ lực của bản thân vẫn sẽ chiến thắng định mệnh.
Thực ra 2 thể loại truyện này là 1 và gọi trùng sinh mới đúng nghĩa gốc của thể loại truyện này. Trong Hán Việt thì trùng sinh có nghĩa là Sống lại. Bởi vì, trong tiếng Hán chữ “trọng” chỉ có một mặt chữ nhưng lại có hai âm đọc, một âm đọc thì ra chữ “trọng” nghĩa là quan trọng, sâu nặng, còn một âm đọc thì sẽ ra chữ “trùng” nghĩa là lặp lại.
Như vậy nếu ghép chung với chữ “sinh” nghĩa là một đời, một kiếp thì phải dùng âm đọc thành chữ “trùng” mới phù hợp. Tuy nhiên, không hiểu bằng 1 cách nào đó dân viết truyện và đọc truyện ngôn tình hay sử dụng từ Trọng Sinh và hiểu theo nghĩa đó thì chúng ta cũng theo số đông thôi.
Thông thường Trọng Sinh rất dễ bị nhầm với Xuyên Không. Nhưng có 1 điểm dễ nhận dạng là Xuyên không thì linh hồn sẽ nhập vào thể xác 1 người trong 1 thời đại hoặc không gian khác ví dụ cổ đại hoặc 1 thời đại không có thật.
Còn Trọng sinh thì linh hồn sẽ nhập vào thể xác tại chính thời đại đó và thường trọng sinh nhân vật nhập vào chính bản thân của mình trong quá khứ nhiều hơn, gần như là đầu thai lại vào kiếp khác nhưng vẫn giữ lại được kí ức của mình ở kiếp trước.
Cụ Thể hơn:
Điểm giống nhau giữa truyện xuyên không và truyện trọng sinh: Cả 2 loại truyện đều kể về nhân vật có thể xuyên qua thế giới khác mà vẫn giữ nguyên ký ức kiếp trước.
Điểm khác giữa truyện xuyên không và truyện trọng sinh: Nhân vật trong truyện trọng sinh có thể quay về quá khứ của chính bản thân mình, còn truyện xuyên không thì không.